Liên
tiếp xảy ra các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin vừa qua đã
khiến dư luận rất hoang mang. Để làm rõ hơn về chương trình tiêm chủng
mở rộng cũng như chất lượng vắc xin, cách sử dụng vắc xin, ngày
2-8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Tiêm
chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp" với sự tham gia của các chuyên
gia về tiêm chủng và đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt
Nam.
 |
Tiêm bổ sung vắc xin sởi cho học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng.
Ảnh: Dương Ngọc |
Quy trình tiêm chủng - Nhiều sai sót
Nhiều
câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để công tác tiêm chủng bảo đảm
an toàn và hiệu quả đã được gửi đến. GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban
quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ,
cho biết: Quyết định 23 của Bộ Y tế về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
trong dự phòng và điều trị ban hành năm 2008 có những điều kiện cơ bản
về nhân sự. Từ đó đến năm 2010, 100% cán bộ tại các tuyến đều được tập
huấn, đào tạo, cấp chứng chỉ về tiêm chủng an toàn, quản lý, sử dụng vắc
xin... Việc đào tạo lại, đào tạo mới cũng được duy trì hằng năm. Bên
cạnh đó, công tác thanh, kiểm tra được tiến hành thường xuyên ở các
tuyến. Nội dung kiểm tra là toàn bộ quy trình liên quan tới tiêm chủng
an toàn như nhân sự (có đủ điều kiện, có được cấp chứng chỉ không); cơ
sở vật chất (buồng tiêm, bàn tiêm, trang thiết bị, hệ thống sổ sách, bảo
quản vắc xin…); tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắc xin ở
các tuyến; chuẩn bị điểm tiêm đến tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng
lọc, chỉ định tiêm chủng, quy trình tiêm chủng, theo dõi sau tiêm 30
phút và điều tra xác định nguyên nhân phản ứng sau tiêm… Mới đây, Bộ Y
tế đã gửi công văn cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc
tăng cường chỉ đạo triển khai công tác an toàn tiêm chủng để kịp thời
phát hiện các lỗi, phê bình, rút giấy phép, kiểm điểm nghiêm khắc các
hành vi vi phạm trong tiêm chủng.
Mặc
dù hoạt động kiểm tra, giám sát được triển khai chặt chẽ nhưng ông
Nguyễn Trần Hiển cũng thừa nhận, công tác quản lý, quy trình tiêm chủng
thời gian qua vẫn còn nhiều sai sót. Cụ thể, kết quả thanh tra tại Quảng
Trị đã phát hiện việc bảo quản vắc xin ở đây không đúng quy định. Vắc
xin không được bảo quản trong tủ lạnh riêng mà bị để lẫn các sinh phẩm
khác. Ở đây, cũng không có phòng khám riêng biệt, vắc xin khi lấy ra
tiêm không được ghi sổ sách hằng ngày, sau tiêm không lưu giữ vỏ, trẻ
không được theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm… Tất cả sai sót này sẽ ảnh
hưởng rất nhiều tới kết quả tiêm chủng, thậm chí là nguyên nhân gây ra
những ca tử vong đáng tiếc.
Theo GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, có 3 nguyên nhân
chính có thể gây tử vong là do vắc xin, do quy trình tiêm chủng, do tỷ
lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi/1.000 trẻ sống còn gọi là hội chứng đột tử
của trẻ sơ sinh. Hiện, nguyên nhân xảy ra sự cố sau tiêm vắc xin làm 4
trẻ tử vong ở Bình Thuận và Quảng Trị do đột tử đã bị loại trừ. Ông
Trịnh Quân Huấn cũng nghi ngờ rằng, không có vắc xin nào làm 3 trẻ tử
vong một lúc, cùng triệu chứng, cùng một địa điểm tiêm, với 2 lô vắc xin
khác nhau… nên việc xác định chính xác nguyên nhân gây tử vong phải
được làm công khai, minh bạch.
Tiêm phòng - Cần thiết!
Nhiều người dân hoang mang, lo lắng không dám cho con đi tiêm chủng sau
khi xảy ra các sự cố trên nhưng các chuyên gia tại cuộc tọa đàm đều
khẳng định, tiêm chủng mở rộng vẫn rất cần thiết và là phương pháp phòng
bệnh hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất
hiện với diễn biến phức tạp như hiện nay. Trong 28 năm qua, chương trình
tiêm chủng mở rộng đã chứng tỏ hiệu quả qua việc thanh toán được các
bệnh đậu mùa, bại liệt, uốn ván và nhiều bệnh khác đã giảm đáng kể như
sởi, viêm gan. Số trẻ được tiêm chủng dự phòng đến nay là 67 triệu;
42.000 trẻ thoát khỏi nguy cơ tử vong do các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn
ván, sởi.
Chuyên gia của WHO, bác sĩ Kohei Toda, cũng đánh giá: Việt Nam là điểm
sáng về tiêm chủng. Chương trình tiêm chủng mở rộng góp phần giảm chi
phí điều trị, giảm nguy cơ tàn phế của trẻ em, giảm thời gian chăm sóc
của bà mẹ, tăng sức khỏe, tăng hiệu suất làm việc của bà mẹ… Riêng với
vắc xin viêm gan B, cả chuyên gia trong nước và WHO đều khuyến cáo, nên
tiếp tục cho trẻ tiêm sớm trong vòng 24 giờ sau sinh. Lý do là, nhà sản
xuất vắc xin này đã thử nghiệm nhiều thời kỳ, các giai đoạn, cho nhiều
đối tượng khác nhau và thấy rằng, tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi
sinh đối với các bà mẹ có viêm gan B rất tốt, tỷ lệ trẻ mắc viêm gan sau
đó rất thấp. Ở Mỹ, thậm chí còn tiêm vắc xin này cho trẻ trong vòng 12
giờ sau sinh. Việc tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu cũng bảo đảm
cho lịch tiêm chủng ổn định, hoàn chỉnh.
Giải
đáp mối lo ngại của một số người dân là tiêm phòng mở rộng sẽ nhiều
nguy cơ hơn là tiêm dịch vụ, GS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng
Viện Kiểm nghiệm vắc xin và sinh phẩm y tế, khẳng định để có thể so sánh
được vắc xin tiêm dịch vụ và tiêm chủng mở rộng, loại nào nhiều biến
chứng hơn thì cần điều tra, nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, chưa có
nghiên cứu nào kết luận điều này. Tuy nhiên, việc nhân viên y tế phường,
xã mang vắc xin đến nhà tiêm cho trẻ để có thêm chi phí dịch vụ, trẻ
không phải ra ngoài nắng gió, không phải chờ đợi có thể ảnh hưởng đến
chất lượng vắc xin, gây phản ứng không tốt cho trẻ và là việc làm sai
trái - PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở
rộng quốc gia, nhấn mạnh. Tiêm chủng ngoài trạm y tế chỉ áp dụng trong
những chiến dịch tiêm chủng lớn, hoặc ở vùng thực sự khó khăn với đội
tiêm chủng có đầy đủ nhân lực để triển khai.
Nguồn Hà nội mới