Chương
trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được ngành y tế triển khai trên phạm vi
cả nước từ năm 1984, phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em. Hàng trăm
triệu liều vắc-xin đã được tiêm miễn phí cho các cháu bé để phòng 11
loại bệnh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản, viêm
gan B, tả...
Thống kê cho thấy, đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 23 lần, bệnh bạch
hầu giảm 167 lần, bệnh ho gà giảm 428 lần, ngoài ra bệnh uốn ván sơ sinh
đã được loại trừ, bệnh sởi dự kiến sẽ được thanh toán vào năm 2015...
Ðây là một trong những thành tựu quan trọng và nhân đạo nhất của ngành y
tế Việt Nam những năm qua. Chương trình TCMR có tính xã hội hóa cao
nhất và được Nhà nước ưu tiên thực hiện cho toàn bộ trẻ em Việt Nam. Ðể
bảo đảm hậu cần vững chắc cho Chương trình TCMR, Việt Nam đã thành công
với chiến lược tự túc vắc-xin từ những cơ sở sản xuất trong nước. Ðã có
mười loại vắc-xin được sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng hơn 70% nhu cầu
vắc-xin sử dụng trong Chương trình TCMR là: lao, bại liệt, bạch hầu, ho
gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn. Hiện
tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm một số vắc-xin thế
hệ mới như: quai bị, Hib, Rubella, dại tế bào, Cúm A(H5N1), Cúm mùa
A(H1N1).
 |
Triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em tại TP Hải Dương.
Ảnh: DƯƠNG NGỌC |
Vẫn biết TCMR là mang lại lợi ích rất lớn cho cả cộng đồng trẻ em, tuy
nhiên, những năm gần đây, vấn đề tai biến do vắc-xin là một thử thách
lớn đối với Chương trình TCMR của ngành y tế. Theo báo cáo của Ban chủ
nhiệm chương trình TCMR quốc gia thì trong số 11 loại vắc-xin đang tiêm
chủng cho trẻ em Việt Nam mỗi năm gần đây đã ghi nhận hai loại vắc-xin
có liên quan nhiều đến tai biến tử vong đó là vắc-xin Quinvaxem và
vắc-xin viêm gan B. Còn chín loại vắc-xin khác hầu như không có tai biến
nặng.
Ðể phân tích sâu nguyên nhân các cháu tử vong có liên quan đến tiêm
chủng, chúng ta cần xem xét ba nguyên nhân chính sau: Tỷ lệ trẻ dưới một
tuổi tử vong hằng năm do nhiều nguyên nhân; chất lượng vắc-xin; quy
trình tiêm chủng. Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia
đình (Bộ Y tế) thống kê năm 2012 thì tỷ suất chết của trẻ dưới một tuổi ở
Việt Nam là 15,8/1.000 trẻ đẻ sống. Như vậy, trong số 1,5 triệu trẻ đẻ
ra có khoảng 50 trẻ dưới một tuổi tử vong hằng ngày trên cả nước. Do đó,
việc tiêm vắc-xin cho trẻ dưới một tuổi, kể cả tiêm trong vòng 24 giờ
sau sinh, thì sự trùng hợp ngẫu nhiên của việc tiêm vắc-xin với trẻ tử
vong hằng ngày có tần suất trùng hợp là rất cao.
Việc xảy ra ngày 20-7 tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)
với ba trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B cùng một điểm tiêm chủng
đã được Hội đồng tư vấn đánh giá phản ứng sau tiêm loại bỏ nguy cơ tử
vong do đột tử. Như vậy, chỉ còn hai nguyên nhân đang cần được làm rõ là
quy trình tiêm chủng và chất lượng vắc-xin. Ðây là vấn đề phức tạp và
vì vậy Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Công an điều tra xác minh độc lập.
Ðến nay, Bộ Y tế đã ban hành quy trình tiêm chủng an toàn cũng như các
quy định bảo đảm chất lượng vắc-xin trong bảo quản, vận chuyển và sử
dụng tại các bàn tiêm chủng. Như vậy, bảo quản vắc-xin không đúng quy
định, sử dụng sai quy trình, để lẫn vắc-xin với các thuốc và sinh phẩm
khác dễ có nguy cơ tiêm nhầm thuốc; không lưu lọ vắc-xin sau khi tiêm;
không khám sàng lọc trẻ để chống chỉ định các trường hợp nguy cơ tai
biến cao là những lỗi mà cán bộ tiêm chủng không được vi phạm.
Chất lượng tất cả các loại vắc-xin được bảo đảm bởi quy trình nghiêm
ngặt từ nhà sản xuất đến người sử dụng. Chất lượng vắc-xin được đánh giá
qua hai tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt là an toàn và hiệu lực, bắt
buộc cho mỗi vắc-xin muốn đăng ký lưu hành ở bất kỳ quốc gia nào. Các
quy định về an toàn được thể hiện qua các dấu hiệu phản ứng toàn thân và
tại chỗ như: sốt, đau tại chỗ tiêm, vã mồ hôi, dị ứng...; hầu hết các
vắc-xin đều có phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân, từ nhẹ đến vừa và nặng,
tùy từng loại vắc-xin.
Hiệu
lực của vắc-xin được nhà sản xuất thực hiện qua nhiều nghiên cứu và
phải vượt qua được các khâu kiểm định chất lượng từ cơ sở đến quốc gia
và quốc tế một cách nghiêm ngặt. Ðể vắc-xin có hiệu lực như mong muốn,
nhà sản xuất phải thực hiện thử nghiệm lâm sàng qua nhiều giai đoạn với
nhiều lịch tiêm chủng cho các đối tượng khác nhau ở nhiều thời điểm khác
nhau; nhiều khoảng cách giữa các mũi tiêm và có thể kéo dài hàng chục
năm mới có được lịch tiêm chủng ổn định.
Như vậy, khi đặt vấn đề thay đổi lịch tiêm sau 24 giờ đối với vắc-xin
viêm gan B, việc quan trọng nhất là phải chứng minh bằng các thử nghiệm
lâm sàng một cách khoa học rằng, lịch tiêm sau 24 giờ cho trẻ ở những
nơi có tỷ lệ viêm gan B cao như ở Việt Nam (khoảng từ 10% đến 16%) sẽ
tốt hơn là tiêm trong 24 giờ sau khi sinh; việc thứ hai là phải chứng
minh trẻ được tiêm sau 24 giờ sẽ không có tai biến tử vong xảy ra liên
quan đến vắc-xin. Vấn đề quan trọng là Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) và
các nhà sản xuất vắc-xin viêm gan B đã có đầy đủ bằng chứng khoa học và
thực tiễn về lịch tiêm chủng vắc-xin viêm gan B có hiệu quả và đang được
áp dụng trên toàn cầu. Do đó, cũng không nên nghiên cứu để thay đổi
lịch tiêm chủng này.
Ðể nâng cao chất lượng và bảo đảm Chương trình TCMR tiếp tục được toàn
dân ủng hộ và tham gia nhằm giảm nhanh tỷ lệ mắc các bệnh cũng như tiến
tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em, cần tiếp tục
thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và hiệu quả. Theo đó, tăng cường
nguồn ngân sách để việc sản xuất các vắc-xin thế hệ mới được triển khai
nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bổ sung và sửa đổi quy trình tiêm chủng an
toàn, trong đó: Tổ chức lại buổi tiêm chủng; tăng cường công tác khám
sàng lọc trẻ có chống chỉ định tiêm chủng bằng cách mỗi bàn tiêm chủng
trong một ngày không được quá 50 cháu để cán bộ y tế có thời gian khám
sàng lọc tiêm chủng. Kéo dài ngày tiêm chủng thành tuần tiêm chủng.
Tăng
cường công tác giám sát quy trình tiêm chủng an toàn ở cả trung ương và
các địa phương. Giao trách nhiệm giám sát thường xuyên, chặt chẽ buổi
tiêm chủng an toàn cho ngành y tế các tỉnh, thành phố bằng các văn bản
pháp luật. Thường xuyên tập huấn cho cán bộ TCMR cũng như tiêm chủng
dịch vụ về các quy định an toàn tiêm chủng, bảo đảm cho các cán bộ tiêm
chủng có đủ kỹ năng thực hành tiêm chủng an toàn trên cả nước.
Nguồn Báo Nhân dân