Ngày 16/6/2014, tại Đà Nẵng, được sự đồng ý của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế phối hợp với Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng chống cúm A(H5N1)
Tới dự Hội nghị có đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị: Văn phòng chính phủ; chuyên gia về Y tế, Nông nghiệp, Vụ, Cục; Trung tâm, các Viện, thuộc hai Bộ; các Tổ chức quốc tế WHO, FAO, WB, USAID; các Bộ, ngành liên quan, Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), các cơ quan thông tấn báo chí và đại diện ngành Y tế Thú y các tỉnh/thành phố, trong cả nước.
Chủ trì và chỉ đạo tại Hội nghị do Lãnh đạo hai Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế và Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Cúm A(H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây truyền từ động vật sang người với tỷ lệ tử vong rất cao. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giời, từ năm 2003 đến nay, đã ghi nhận 665 trường hợp mắc bệnh tại 15 quốc gia, trong đó có 392 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 59%. Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, là khu vực chịu ảnh hưởng nguy cơ cao từ bệnh cúm A (H5N1).
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị |
Từ những năm đầu dịch mới xuất hiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, hệ thống phòng xét nghiệm phục vụ cho việc điều trị, giám sát, phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, trong khi đó, đường lây truyền của bệnh cúm A(H5N1) ở người rất nguy hiểm, diễn biến hết sức khó lường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm có được từ việc phòng chống dịch SARS năm 2003, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào cuộc, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quốc gia với sự tham gia của hơn 14 Bộ, ngành liên quan, huy động mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn của cả ngành Y tế và Nông nghiệp, hướng dẫn giám sát, xét nghiệm chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ dịch. Đồng thời trang bị trang thiết bị cho phòng thí nghiệm, điều trị, tập huấn đào tạo nhân lực từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở để đáp ứng với nhiệm vụ giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Trước những nỗ lực đó, đến nay Việt Nam có khả năng giám sát chẩn đoán xác định và khả năng điều trị cũng tốt hơn và nhanh chóng khống chế thành công dịch cúm A(H5N1).
Xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2003, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp vào năm 2005, với 61 trường hợp mắc, đến nay số mắc giảm xuống một cách rõ rệt chỉ còn 4-5 trường hợp một năm. Cúm A (H5N1) vẫn đang được giám sát chặt chẽ về sự biến đổi của vi rút, bệnh nhân và các ổ dịch trên gia cầm.
Tại Hội nghị các đại biểu tham dự đã được nghe các báo cáo viên đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Tổ chức Quốc tế trình bày các báo cáo về các chương trình, nghiên cứu, kinh nghiệm trong phòng chống dịch cúm A(H5N1) để chủ động và phòng chống một cách hiệu quả.
Hội nghị là cơ sở để các chuyên gia của các Bộ/Ban/ngành, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết trong giám sát, xét nghiệm, điều trị và phòng chống dịch cúm A(H5N1) đúc rút ra các bài học kinh nghiệm, tìm ra các mô hình phòng chống dịch hiệu quả hơn.
Nguồn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Tag: Hội nghị chia sẻ, phòng chống cúm A(H5N1), cúm A, H5N1, cục YTDP, PGS. TS Trần Đắc Phu